“Phá cách” sinh con tại nhà

Đó là tài khoản Facebook N.M đăng bài viết kèm chùm ảnh về một phụ nữ đã sinh con “thuận tự nhiên”. Bé trai nặng 3,3kg đã chào đời ngay tại nhà, xung quanh không có bất cứ thiết bị y tế nào hỗ trợ. Đăng chùm ảnh, N.M còn nói: “M. đang ước từ nay tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên của chúng mình khi chưa xuất hiện bệnh viện, để những đứa trẻ không phải ra đời trong tay của người xa lạ”. Bài đăng này lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người phản đối cách sinh con này, nhưng cũng vẫn có những người cổ súy.

Một ca sinh “thuận tự nhiên” tại nhà, bánh nhau được đặt trong chậu muối đã rang khô.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh thông tin về tài khoản N.M thì được biết người này cư trú tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trên trang Facebook cá nhân, N.M. đăng về trường hợp sinh con của người quen sống tại Đắk Nông. Người đăng đã gỡ bài, viết cam kết, nhận lỗi vì tuyên truyền hủ tục. Đồng thời Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế đã yêu cầu CDC tỉnh Đắk Nông tiếp tục tìm hiểu, xác minh thông tin.

Cách đây vài năm, trào lưu sinh con thuận tự nhiên rộ lên khi hàng loạt hội, nhóm có đông đảo người tham gia đã chia sẻ, lan truyền kinh nghiệm mang thai, sinh nở tại nhà. Rỉ tai nhau nhiều kinh nghiệm và thổi phồng lợi ích của hình thức sinh nở này, rất nhiều thai phụ trong suốt quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc sau sinh đều xa rời sự hỗ trợ của y tế. Thay vào đó, tất cả đều diễn ra trong trạng thái tự nhiên.

Nhiều bà mẹ mang thai không đi siêu âm, không khám thai để theo dõi thai kỳ, không tiêm vaccine. Đến khi sinh con thì thay vì đi bệnh viện, thai phụ lại tự “vượt cạn” ở nhà. Con ra khỏi bụng mẹ sẽ không được cắt dây rốn ngay mà cứ để tự nhiên đến khi nào bánh nhau tự bong ra, sau đó bánh nhau cùng dây rốn sẽ tự rụng trong vòng 3-6 ngày. Người mẹ sau đó cũng nói không với việc tiêm vaccine cho con.

Thời điểm đó Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về vai trò, tác dụng của quản lý thai, khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế. Cùng với đó là sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, báo chí và dư luận xã hội khiến trào lưu này lắng lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số nhóm kín vẫn hoạt động và không ngừng thu hút thành viên tham gia. Đâu đó vẫn có những bà mẹ bỏ ngoài tai tất cả những nguy cơ được cảnh báo, vẫn quyết tâm trải nghiệm đẻ tại nhà “thuận tự nhiên”.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ mới năm ngoái, vào lúc 18h50 phút ngày 27/9/2023, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi B.A ở Thanh Trì, Hà Nội 9 ngày tuổi với biểu hiện sốt, co giật, tăng trương lực cơ kèm nhiều cơn gồng cứng, bỏ bú. Ngoài ra bé còn bị vàng da sạm, rải rác ban dạng mụn viêm dưới da toàn thân, rốn nề, có dịch trắng chân rốn. Theo kết quả xét nghiệm, bé B.A bị nhiễm trùng máu, suy chức năng thận, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu.

Siêu âm qua thóp và chụp CT sọ não thấy có hình ảnh phù não lan tỏa. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, co giật do tăng natri máu nặng. Các bác sĩ đã chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bé B.A. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực chức năng hô hấp tuần hoàn như thở máy, sử dụng thuốc an thần giãn cơ, thuốc vận mạch và lọc máu liên tục đồng thời dùng kháng sinh phổ rộng phối hợp. Bé được chăm sóc tích cực, truyền dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, phép màu đã không xảy ra, con đã lìa xa cuộc sống vào ngày 9/10/2023 sau 20 ngày được sinh ra.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nguy kịch đến tử vong của bé B.A? Mọi chuyện xuất phát từ việc bé đã được đẻ tại nhà mà không có sự hỗ trợ của y bác sĩ. Trước đó, vào lúc 7h45 phút ngày 18/9/2023, sản phụ H. (36 tuổi) ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) sinh bé gái B.A. Đây là con thứ 3 của chị H. Nhưng có một điều khác là hai lần trước, chị H đều sinh thường tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Còn lần này, dù trong quá trình mang thai chị H. có khám thai tại phòng khám tư, nhưng đến khi sinh thì chị quyết định “phá cách” tự sinh tại nhà. Cả 3 lần sinh, chị H. đều không tiêm vaccine phòng uốn ván.

Bé B.A ra đời không được cân, không được cắt dây rốn, bánh nhau được đặt trong chậu muối đã được rang khô. Đến ngày thứ 3 dây rốn tự rụng. Mọi thứ tưởng như đang diễn ra suôn sẻ, thì đến ngày thứ 7 bé B.A xuất hiện sốt nhẹ, nhưng để “thuận tự nhiên” thì chị H. cũng không đo nhiệt độ nên không biết con sốt thế nào. Bé bú mẹ kém hơn, nhưng gia đình chị H vẫn không đưa trẻ đi khám, không dùng thuốc. Chị H. chỉ xử lý bằng phương pháp cho con da kề da và vắt sữa cho con uống bằng thìa.

Ngày thứ 9, bé bỏ bú và có hiểu hiện tăng trương lực cơ, gồng cứng người. Lúc này, nhà chị H. mới đưa trẻ cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi nhắc lại trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn không khỏi xót xa. Bởi một phụ nữ ở ngay thủ đô Hà Nội, đã sinh con tới lần thứ 3, mà vẫn có thể tin vào phương pháp sinh con phản khoa học một cách u mê đến vậy.

Hãy là những bà mẹ thông thái

Trước những nhen nhóm trở lại trong cộng đồng của trào lưu sinh thuận tự nhiên, nhiều người không khỏi rùng mình. Bởi có những người cha, người mẹ tin tưởng tuyệt đối vào sự sàng lọc tự nhiên, đặt cược tính mạng của mình và của con vào sự sống sót đầy bất trắc ấy. Họ vin vào những trường hợp đã từng tự đẻ và an toàn để nghĩ rằng cứ thuận theo trời đất là sẽ khỏe mạnh mà chưa bao giờ tìm hiểu rằng có bao nhiêu ca đẻ thuận tự nhiên thất bại.

Các bà mẹ khi sinh nở nên đến các cơ sở y tế để được y bác sĩ hỗ trợ.

Một thực tế nhãn tiền là ngay ở giai đoạn mà việc sinh thuận tự nhiên đang nở rộ đã có các trường hợp diễn biến xấu phải cấp cứu tại bệnh viện. Ngày 10/2/2020, một bà mẹ 34 tuổi ở TP Hồ Chí Minh sau khi trải qua 5 giờ sinh thuận tự nhiên tại nhà đã phải gọi xe cấp cứu đưa con gái mới sinh đến Bệnh viện Từ Dũ. Nhưng bà mẹ này chỉ mang con đến để các bác sĩ hỗ trợ cắt rốn cho con, còn các biện pháp y tế khác thì nhất định từ chối. Các bác sĩ đã phải toát mồ hôi thuyết phục sản phụ và người nhà đồng ý cho họ can thiệp y tế cho mẹ và bé.

Bởi với tình trạng lúc đó, có quá nhiều bước cần phải tiến hành ngay, từ khâu vết rách tầng sinh môn đến tiêm thuốc co hồi tử cung, tiêm vaccine, tiêm vitamin K1 phòng chống xuất huyết não ở trẻ sơ sinh… Giải thích một hồi thì sản phụ cũng đồng ý khâu vết rách tầng sinh môn nhưng nhất định không được tiêm thuốc tê. Tuy nhiên, chỉ được một mũi khâu thì sản phụ đã chịu không nổi, đành đồng ý cho bác sĩ gây tê.

Kết quả xét nghiệm cho thấy sản phụ này bị thiếu máu nặng, nguy cơ băng huyết sau sinh, chậm lành vết khâu, dễ nhiễm trùng. Trước tình trạng đó, Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã cố gắng thuyết phục người mẹ thực hiện các can thiệp sau sinh nhưng chị vẫn không đồng ý. Từ chối dùng kháng sinh, truyền máu, truyền thuốc,... người mẹ này chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra. Đây là lần sinh thứ 3 của sản phụ, trước đó chị đã sinh con 2 lần chính tại Bệnh viện Từ Dũ. Nhưng lần sinh này, chị quyết định sinh con "thuận tự nhiên"ở nhà để được trải nghiệm tất cả những thông tin mà chị đã tìm hiểu qua các trang mạng. Sản phụ yêu cầu bác sĩ không thăm khám và muốn xuất viện cùng con.

Trước đó, cuối tháng 12/2019, các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng cũng tiếp nhận một sản phụ sinh con tại nhà, bị rách tầng sinh môn, sót nhau nên phải cấp cứu vào viện. Các cán bộ y tế đã khám và tư vấn cho sản phụ các can thiệp y tế cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ cũng phải bó tay khi gia đình họ vẫn ký cam kết đề nghị bệnh viện không can thiệp kỹ thuật y tế trên mẹ.

Nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo mức độ an toàn của sinh con thuận tự nhiên không có sự hỗ trợ của y tế hiện chưa được kiểm chứng. Trào lưu sinh con “thuận tự nhiên" được lan truyền không đúng trên các trang thông tin không chính thống, gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng – Cuối tháng, TS. Trịnh Xuân Long - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Nhi Trung ương, khẳng định sản phụ sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà mà không có sự hỗ trợ của y bác sĩ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mẹ như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn; thai nhi có thể bị ngạt, uốn ván sơ sinh dẫn đến tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo nên tiêm phòng vaccine trước mang thai và trong thai kỳ là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tránh rủi ro cho mẹ và bé. TS. Long cũng đưa ra khuyến cáo để mang thai và sinh nở an toàn, thai phụ cần phải thăm khám thai theo tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là làm các xét nghiệm liên quan để phòng những bất trắc có thể xảy ra khi "vượt cạn". Người mẹ khi sinh con cần đến cơ sở y tế để phòng tránh nhiễm trùng, được hỗ trợ khi gặp khó khăn khó dự đoán được hết.

Các cụ xưa thường nói “cửa sinh là cửa tử”, bởi những tai biến sản khoa luôn rình rập và có thể cướp đi sinh mạng của mẹ và con bất cứ lúc nào nếu chúng ta sơ xuất chứ chưa nói đến việc không được kiểm soát. Vậy mà không ai khác, chính người mẹ đã chủ động chọn con đường nguy hiểm cho hành trình vượt cạn của mình. Với niềm tin sinh “thuận tự nhiên” con sẽ khỏe mạnh nhất, có sức đề kháng tốt nhất, nhiều người mẹ đã sai lầm khi chọn con đường nguy hiểm nhất, nhiều nguy cơ nhất để con đến với cuộc sống này. Cái chết oan uổng của của đứa trẻ là minh chứng rõ nhất cho thấy rằng sẽ là “nghịch sự sống” nếu “thuận tự nhiên” theo cách đó.